Chương 18

Xuất gia ta không ngại
Phá giới ta không nghi
Nhập thế ta không sợ
Chỉ sợ ta không tu!

NM

Luận

Bỏ đời qua đạo là bước đầu tiên của người cầu đạo, muốn đoạn lìa con người cũ với những sinh hoạt thế gian, để bắt đầu một con người mới, một cuộc sống khổ hạnh tu hành .

Mê say mùi đạo một thời gian, người tu lại dễ rơi vào những mê chấp mới, mê thanh chấp trược, yêu chánh diệt tà . Ðây là giai đoạn mà các thiền sư đã phá giới để khai ngộ cho môn sinh như đốt tượng Phật, chặt đầu mèo … Vì thật ra cốt lõi của giới luật vốn ở tự tâm mà sinh chứ không phải từ thân mà phát . Hình ảnh thầy tăng cõng một người con gái qua khỏi vũng bùn vẫn thể hiện hạnh từ bi hơn là thầy tăng thứ hai vì chấp khư khư vào sắc giới đến trở nên tàn nhẫn lạnh lùng .

Cuối cùng ra, nhờ cái khổ của đời ta mới thức tâm cầu đạo . Nhờ hiểu đạo ta mới thấy rõ đạo vốn nằm ở trong đời . Buông đi cái thái độ cầu an thanh tịnh bên trong; bỏ đi mọi quả vị danh xưng hình tướng bên ngoài, để trở về nhập thế, để sống thực với chính mình, để thấy mình không là gì cả, không có gì cả, không được gì cả .

Trôi theo dòng đời không cưỡng cầu tính toán, vấn đề đến thấy ta lúc nào cũng sai, thấy lỗi tại ta mọi dàng . Sống như vậy ắt mới thật là một người tu, một thiện nhơn tại thế .

PVK

Thơ

Bỏ đời qua đạo,
Vào cõi huyền linh,
Hướng nghịch hành, thênh thang bước tới,
Lùi lại sau, cát bụi u minh,
Lấy thiền trượng gõ vào quá khứ,
Cho im hơi lục dục thất tình,
Ðường mây trắng lâng lâng thoát tục,
Gót vân du nhẹ buổi đăng trình .
Thiền viện ở cõi tâm,
Ðạo lớn ngự trong lòng,
Không mảy may vướng viú,
Ðầy một trời thong dong,
Ðường tiến hóa xá gì sinh hay tử,
Vượt ra ngoài ngũ giới với tam quy,
Hành động nghịch để tức thời khai ngộ,
Dùng quang năng cởi trói cõi u mê,
Xuống tuệ kiếm, chém ngang sắc tướng,
Thắp tâm đăng giữ vẹn câu thề .
Chân lý ôi thuần phác,
Chân tâm chẳng cưỡng cầu,
Buông thỏng tay vào chợ,
Trong siêu thoát nhiệm mầu .
Danh khả danh,
Phi thường danh,
Vô đạo là có đạo,
Hữu đạo là vô duyên,
Pháp vốn không văn tự,
Nên giáo ngoại biệt truyền .
Cõi phù sanh diệu vợi,
Thích lý màu thần thông,
Quên bản lai diện mục,
Của chính mình là không,
Trở về trong chốn bụi hồng,
Ðội trời, đạp đất mà lòng chân như .
Ðại trượng phu hề,
Ðại trượng phu,
Ôm chí lớn,
Viễn ly điên đảo,
Mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn .
Tu không ngừng không nghỉ,
Hào khí phá lao lung,
Thấy mình sai mãi mãi,
Giải thoát đến vô cùng …

PHB

Chương 17

Trên có Thầy
Dưới có bạn
Ơn Thầy ta trả
Nghĩa bạn ta đền
Ơn trả không phải thường cung kính
Trả là hằng thực hành
Nghĩa không đền bằng lời nói
Ðền bằng gương sáng thường lau
Trên có Thầy
Dưới có bạn
Ơn đền, nghĩa trả
Tự nhiên vô sở cầu .

NM

Luận

Người cầu đạo xem chuyện tu học sửa mình là chính, việc đãi bôi hình tướng là khinh . Thành tựu được những sở học của thầy bạn thì đã không phụ chính mình và người đi trước, là đã nối tiếp cái di sản tinh thần tiến hóa theo mãi với thời gian .

Thường hằng tu thân thì sẽ trở thành một thiện nhơn, rũ sạch bao phiền não nghiệp chướng từ muôn đời kiếp . Khi ấy trong tự nhiên mà đã bước cùng một dấu chân với chư liệt vị tổ sư, đã báo đền trả hiếu cả cửu huyền thất tổ và bạn thân bao kiếp . Mỗi một niệm, một động đều công khai cùng trời đất, đều thể nhập vào tự nhiên thì còn cái gì của riêng ta, còn một manh múm nào đâu của bản ngã để mà sở cầu nghĩa trả ơn đền .

PVK

Thơ

Ðường xưa chư Tổ bước,
Tìm dấu quyết đi theo,
Tu thân rồi lập đức,
Lối mòn nhưng … cheo leo,
Nhất tâm lội suối trèo đèo,
Chiếc thân ảo gỉa, bọt bèo xá chi,
Lời vàng khắc cốt thường ghi,
Chặn rào sắt thép, vẫn di không ngừng,
Dời non, lấp biển, phá rừng,
Ðốt cho lửa đạo sáng bừng nội tâm .
Ơn sâu, nghĩa nặng,
To nhỏ, thì thầm …
Lấy oan nghiệt, mở toang cửa đạo,
Xé áo tràng tâm kính hằng lau,
Thấy phản chiếu dấu chân tiên thánh,
Sóng trước vun nền cho sóng sau .
Gương trong trao một tấm,
Người cũ nay còn đâu,
Ðã ơn đền, nghĩa trả,
Tự nhiên vô sở cầu .

PHB

Chương 16

Mới đó còn ra vào nhờ cậy
Hết tiền, hết cả Ðạo
Cửa nhà vắng hoe
Ta cười khi thấy được lẽ tử sinh
Hé miệng Diệu Pháp tuôn trào
Mím môi tủm tỉm
Cửa khép then cài
Thế mới biết hữu duyên thời ngộ
Ðạo đâu ở những lời hoa mỹ
Ðạo nằm ở chổ hiểu lý thâm sâu
Ðạo là sống trong lẽ sống
Ðạo là tin mà cũng không tin
Ðạo là không phụ chính mình .

NM

Luận

Con người vốn vẫn tầm thường như thế! Làm ra vẻ một con chiên ngoan đạo, nhờ đở lợi dụng một vị đạo sư để giải quyết những vấn đề từ thân đến tâm cho mình, thì không phải trách nhiệm và vẫn dễ hơn là làm kẻ chăn chiên, chăn con chiên tánh của chính mình .

Thiền sư lại là người không có tín đồ, không muốn ai lệ thuộc vào mình . Chỉ để lại một con đường, một phương pháp rồi đóng cửa cho mọi ngươì phải tự hành tự chứng .  Ðó là lẽ tử sinh của đạo ! Lúc đạo mở ra thì nhộn nhịp người nghe, cầu cạnh nhờ cậy đủ điều . Ðến khi đạo đóng lại thì tuyệt nhiên không người lai vãng .

Người truyền đạo tùy duyên mà hành . Kẻ cầu đạo cũng tùy duyên mà ngộ . Ngộ đạo là một cơ duyên thức tâm, thấy được sự thật khiếm khuyết bất toàn của mình, để thực hiện đời sống hiện tại được tốt đẹp hơn, không cần phải xưng tụng đeo bám ông thầy .  Ðạo là tin lấy khả năng của chính mình có thể thực hành được những lý lẽ thâm sâu chứ không tin rằng có một vị thầy nào đó sẽ bồng ẳm mình qua khỏi bến mê .

Thân tâm này là chính ta . Những phiền não khổ đau nghiệp chướng cũng do ta tạo . Nếu ta không tự thức tự giải thì đành phải trách lấy chính mình thôi chứ không một đấng tối cao nào có thể giải quyết được kiếp nhân sinh này cho ta cả .

PVK

Truyện

Không Ái đã về quê . Diệu Thanh được tin cha mẹ già yếu bệnh hoạn, xin phép tạm hồi hương phụng dưỡng . Thiền sư Tâm Không y cho . Từ đó ngài bế quan tỏa cảng, viết kinh . Không tiếp khách . Vô Lực và Thông Luận phụ việc . Thiền viện vắng vẻ, cô tịch . Còn lại một bầy chim trời .

Thầy trò đêm ngày mải mê luận đạo . Kinh mới viết được một phần cuốn . Mùi thiền vưà bén .  Thế sự tạm quên . Bỗng phải xuất định vì … hết gạo . Không còn vật thực cho người và chim . Thiền sư vung nắm thóc cuối cùng xuống bãi cỏ:

– Thôi nhé ! ta chẳng còn gì cho các con nữa .

Từ đó cũng bặt tiếng chim hót . Chỉ nghe tiếng gió rù rì . Lá vàng khô bay xào xạc ngoài sân . Ðạo viện chìm vào trong cái hoang liêu, huyền ảo . Thông Luận băn khoăn:

– Này sư huynh, giờ Ngọ đã tới . Không còn gạo nấu cháo cho sư phụ ăn .

Vô Lực mơ màng nhìn ra cửa tam quan . Miệng lâm râm cầu nguyện Quán Thế Âm Bồ Tát . Giật mình quay lại . Vẫn không chừa tật hài hước:

– Bần đạo bụng đói meo . Mắt đã thất thần . Cũng sắp được nhìn thấy ánh đạo vàng .

Bỗng Thông Luận reo lên:

– Sư huynh coi kìa . Có người gánh đồ tới .

Một khắc sau, người nông dân vạm vỡ đặt hai bồ gạo xuống trái hiên . Trao một phong thư . Vô Lực chạy như bay vào hậu liêu . Thiền sư khoan thai mở ra coi . Thơ rằng:

Sư phụ kính yêu,

Gặp cơn binh lửa cửa nhà sa sút, song thân già yếu nên đệ tử không thể thường thăm hỏi . Xin sư phụ niệm tình . Bất hạnh, không được kề bên hầu hạ . Nghịch cảnh như bão táp mưa sa . Lời vàng, ý ngọc năm xưa dậy dỗ dã ghi lòng tạc dạ , đệ tử dùng làm khuôn thước để tự chèo chống . Tuy xa cách ngàn trùng nhưng đạo vẫn ở trong tâm . Chắt chiu được ít gạo gởi đến để sư phụ dùng .

Diệu Thanh kính bái .

Thiền sư đọc xong trao cho Vô Lực . Trên gương mặt ngài lộ vẽ hài lòng, lặng lẽ đi vào thư phòng . Sư huynh liếc qua tờ thư la lớn:

– Có thế chứ! Hoàng Thiên bất phụ đạo tâm nhân .

Vốn thực tế, Thông Luận xuống bếp nấu cơm . Không biết nghĩ thế sao, lại chạy lên hỏI:

– Này sư huynh . Ăn hết hai bồ gạo kinh vẫn chưa xong, phải làm sao ?

Vô Lực cười ngặt nghẽo:

– Thì lại đi làm vú em .

PHB

Chương 15

Ðời không, Ðạo cũng không
Ðời thất bại
Ðạo dở dang
Kiếm đủ cơm hai bữa
Rảnh bầy cuộc trà
Kìa chim trời, cá nước
Kìa những kẻ ngồi không
Ai có đạo, ai không ?
Ai thong dong ?
Ai lòng vòng ?
Nào kinh, nào kệ
Chấp mê lẽ tiêu dao
Ðạo trong đời là thật
Ðạo ngoài đời là mê
Ðời không, Ðạo cũng không
Ðời Ðạo cũng một vòng .

NM

Luận

Ðời là một trường tranh chấp và phấn đấu với xã hội bên ngoài .  Ðạo là một cuộc tranh chấp và phấn đấu với nội tâm bên trong .

Ðời là vun bồi thân xác với những lớp vỏ tiền, tình, danh, lợi .  Ðạo là vun bồi tâm hồn với những lớp quả vị đức hạnh thanh cao .

Ðạo và đời đã cùng nhau thúc đẩy con người và xã hội tiến hóa . Thế nhưng, bất hạnh thay, điều phũ phàng nhất của nhân loại ngày nay là tận cùng của sự tiến hóa đó lại là chiến tranh, cả đạo lẫn đời, đang đưa loài người đối diện với nguy cơ hủy diệt !

Xét cho cùng, chính cái dục vọng, cái lòng ham muốn thành đạt từ đời đến đạo đó đã làm cho con người đau khổ . Có điều khi đến tận cùng của khổ đau, chúng ta mới khao khát một niềm hòa bình an vui thực sự, mới chịu buông hết mọi ràng buộc của đạo lẫn đời . Không còn mê đắm chạy theo thú tiêu dao nhàn hạ của người xuất thế, cũng không chấp khinh coi rẻ sự bon chen tranh chấp của kẻ thế gia .

Không đời không đạo ở đây là không còn cái hình tướng người tu kẻ tục, không phân biệt chấp mê giữa đạo và đời, giữ đúng lấy sự quân bình của nội tâm là đạo . Ðạo đời bấy giờ chỉ là một, một cuộc sống giản dị bình thường . Bình thường đến nỗi người đời xem ta chỉ là một thứ tầm thường, người đạo xét ta cũng chỉ là một loại tầm thường và chính ta thấy ta cũng chỉ là một người tầm thường mà thôi .

PVK

Truyện

Thiền sư Tâm Không chuyên trà cho các đệ tử . Không khí im lặng trang nghiêm . Mọi người bình yên thưởng thức từng ngụm nhỏ thơm ngát .  Bỗng sư đệ Thông Luận lên tiếng:

– Mọi phương tiện tìm kiếm, liên lạc đã xử dụng . Không một người đem con đến gửi . Tiền sắp cạn . Kiểu này chắc đi vào của tử .

Vô Lực tiếp lời:

– Mình viết kinh chắc Hoàng Thiên không nỡ phụ .

Thiền sư lên tiếng:

– Lại toan tính so đo, đổi chác sao ?

Sư huynh cuối đầu thẹn thùng . Có óc minh lý khá, Thông Luận bắt được ý của Thầy rất nhanh . Chấp nhận là người thua cuộc, ngồi yên . Vô Lực nguyên trước kia là một phú thương, không chịu giọng vùng vằng:

– Ta phải xoay sở chứ . Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều . Còn nước còn tát .

Thiền sư lạnh lùng:

– Tát đi . Cái thời của ngươi qua rồi . Nay đã lục tuần . Tuổi già sức yếu . Thêm cư ngụ không hợp pháp mà làm được gì .

Sư huynh đuối lý cãi bướng:

– Buông bỏ hết . Trăm cay ngàn đắng, dấn thân tu học . Kết cuộc phải đạt được cái gì chứ . Chẳng lẽ trời xanh không có mắt sao ?

Thiền sư nghiêm nghị nạt:

– Ngươi muốn thủ đắc lòng ngưỡng mộ của thế nhân ư ? Nhìn lại mình coi . Ðầu để tóc, thân chẳng áo tràng . Không ép mình khổ hạnh . Khác người thế tục chỗ nào . Không chịu nhận chân thực tướng mình, còn đòi gì .

Vô Lực chợt nhìn ra sự thật . Từ đó lòng bình yên . Thức khuya dậy sớm, chăm chỉ viết kinh .

PHB

Chương 14

Sống chẳng rời tánh
Chết vẫn giữ tâm
Ðạo bình thường
Người cũng người thường
Giữ được vậy ắt thành Chơn Nhơn .

NM

Luận

Chơn nhơn là người sống thật thà với chính mình và người . Một cuộc sống bình thường, không mong cầu thành đạt một cái gì ghê gớm, cũng không chối bỏ cái hiện thực đang là . Sống công khai, bộc bạch cái tánh, cái con người thật của mình ra với đời để có cơ hội thức tâm . Thấy rõ chính mình mới trở về trạng thái quân bình trung đạo .

Thân xác dầu có chết đi nhưng tâm thức vẫn đời đời bất diệt, vẫn hồi sinh và tiến hóa không ngừng nhờ luôn luôn phơi trần cái khiếm khuyết, cái bất toàn của mình ra cùng người, cùng trời đất .

PVK

Truyện

Một cuộc họp quan trọng tay ba . Thiền sư Tâm Không, Vô Lực và Thông Luận .  Ðề mục là viết kinh, luận và truyện . Phải dành ưu tiên tối thượng và tâm huyết cho việc này .

Ðược một tuần trôi qua êm ả . Sự việc kế tiếp dồn dập đến như sóng ngoài biển cả dạt vào bờ . Sư đệ Không Ái mãi không kiếm được việc làm . Phải khăn gói túi nải về quê . Rồi, phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí . Sư huynh Vô Lực chỉ còn được làm việc bán thời gian . Liền sau đó con ngựa của Thông Luận dùng để đi làm bỗng lăn đùng ra đau nặng . Tất cả bằng đó sự kiện, vừa đủ để thầy trò thiền sư Tâm Không rơi vào tình trạng thiếu hụt .

Vô Lực chạy xuôi, chạy ngược đi mượn tiền . Trả xong tiền nhà và tiền thuốc thang cho ngựa thì vưà nhẵn túi . Không còn tiền mua gạo . Thiền sư đi đi, lại lại . Ðăm chiêu suy nghĩ . Họp tới, họp lui . Sau cùng hai giải pháp được đưa ra:

– Làm vú giữ em .

– Cho mướn đạo viện lấy tiền ăn . Dọn dẹp sạch sẽ tầu ngựa để ở .

Vô Lực than:

– Viết sách cho Thượng Ðế mà Ngài bỏ đói .

Thông Luận méo mó nghề nghiệp:

– Phải thực sự ở trong cảnh khốn cùng, viết kinh cứu khổ mới có hồn .

Thiền sư Tâm Không cười xòa an ủi:

– Hãy: “Tận nhân lực nhi tri thiên mạng” .

Ðã lâu không có thiền khách tới viếng . Lối mòn cỏ mọc rêu phong . Thiền viện ngay phố chợ mà tịch mịch như ở non cao . Thầy trò lại bầy cuộc trà ra khề khà luận đạo .

 

PHB

Chương 13

Tư tưởng thiện lành
Hào quang ngời sáng
Tư tưởng ác trược
Mọi bề âm u
Dấn thân điển quang
Là vun bồi ý tốt
Cũng là nuôi dưỡng ý xấu
Vun bồi và nuôi dưỡng
Tốt và xấu
Thường thực hành
Kết quả là chìa khóa
Tốt xấu do ta
Dấn thân là chánh
Thẩy đều ít lợi .

NM

Luận

Mỗi một tư tưởng hay ý nghĩ đều có một tần số rung động, một chấn động điển quang của nó . Dầu nặng hay nhẹ, sáng hay tối, những tư tưởng này đã là ý nghiệp mà ta đã gieo ra . Dấn thân điển quang là thực hành, là bộc lộ ra những ý nghĩ của mình . Là đem thân xác hợp nhất cùng tâm, thể hiện những điều trong tâm trí . Ðơn giản hơn, dấn thân điển quang là sống thực với chính mình .

Con người thật của mình có tốt lẫn xấu, có Phật lẫn Ma . Nhờ sống thực, mình mới có cơ hội thấy rõ mình hơn . Kết quả ở đây là tác động của luật nhân quả, luật trả vay đến với mình ngay mỗi một hành động, lời nói . Nhờ công khai thực hành và chịu trách nhiệm, mình đã tự nguyện nhờ người gột rửa, mài dũa đi những lố bịch, những xấu xa trong tâm trí mình .

Không còn chất chứa ém nhẹm những điều riêng tư yếu hèn, không còn đội mang lớp vỏ đạo đức giả hiệu vì thể diện danh giá phù phiếm, chỉ để trở về vỏn vẹn một người chân thật với tất cả ý nghiã của một con người .

PVK

Truyện

Thầy trò thiền sư Tâm Không cùng ngồi quần ẩm . Trong buổi trà đạo, cư sĩ họ Lâm tham vấn:

– Nhân đọc đến câu: “Dấn thân điển quang”, lòng có chỗ còn ngờ, thỉnh liệt vị chỉ giáo .

Thiền sư đưa mắt khiến Vô Lực trả lời . Sư huynh vốn sở trường phiếu diều trong cõi Phi Phi Tưởng . Tính ra lại ngón nghề . Ðịnh tung một thần chưởng thất điên bát đảo, làm hoa mắt đối phương . Nhưng tự chế được, ngay thật trả lời :

– Quả thật tiểu đệ không quán thông về Ðiển Quang Pháp Giới .

Cư sĩ quay qua hỏi Thông Luận:

– Còn huynh ?

Thông luận lắc đầu, hồn nhiên cười trừ . Họ Lâm hướng về phía thiền sư cười cười:

– Xin mời sư phụ xuất chiêu .

Thiền sư khiêm nhượng:

– Xin đa tạ Lâm cư sĩ có lòng ái mộ . Bần đạo thiển nghĩ dấn thân điển quang là thường hằng quán chiếu vào tự tánh . Muốn thấy tánh phải trụ được điển hồn, từ đó dùng ánh sáng soi tỏ nhữg tăm tối của mình, lập quân bình trong bản thể .

Tan cuộc trà . Các thiền khách tạ từ ra về . Vô Lực dậm chân nói với Thông Luận:

– Mình tưởng nó hỏi về thần thông, cỡi ánh sáng bay vào điển giới . Ðành chịu thua . Chứ nếu giảng theo kiểu sư phụ; tám chục tên thiện tri thức ngu huynh cũng bóp mũi hết . Ðem cái lý của Tâm Pháp làm diệu dụng thì bẻ cổ, bóp họng được tất cả .

Không Ái vừa cười vừa đi tới:

– Ðại sư huynh phóng điển trược, làm ô nhiễm hết!

Vô Lực chợt thấy mình đang ở ngoài trung đạo . Nín thinh ngượng ngùng . Thiền sư Tâm Không đủng đỉnh đi ngang qua, nói bâng quơ:

– Thì cũng là dấn thân điển quang .

PHB

Chương 12

Lục căn, lục trần
Mười hai vị Thánh
Thấu rõ được họ
Hiểu ngay người khác
Biết mình, biết họ
Phân thân hằng hà
Ðộ người ngàn dặm .

NM

Luận

Người tu là người muốn tự lập lấy cảnh chùa, một Xá Vệ Quốc ngay trong chính mình . Lục căn lục trần là sáu giác quan và những đặc tính của nó là một phần trong tiểu thiên địa của ta . Chúng ta lại thường hay kỳ thị đè nén hoặc tiêu diệt nó nên có khác gì đã tạo một cuộc thánh chiến ngay trong nước mình . Chúng ta nhân danh tình thương và đạo đức nhưng hành động lại là gây chiến và hủy diệt . Ðiều mâu thuẫn này xảy ra thường xuyên trong ta và cả thế giới bên ngoài . Cái nhân đức của đạo là không diệt mà thấy rõ và chịu nhận lục căn, lục trần với mình không khác . Thấy rõ tội ta đã từ lâu bỏ bê kỳ thị và nhẫn tâm đối với chính ta . Nay là một rồi thì nhất cử nhất động mình phải nhìn nhận và chịu trách nhiệm lấy, không còn phân biệt đổ thừa nữa . Phát triển sáu giác quan và những đặc tính của nó trong vô minh mờ ám thiếu tự chủ thì nó chính là lục tặc lục quỷ hại lấy chính ta . Ngược lại, phát triển trong quang khai, sáng suốt, thật thà thì nó lại hiển thánh và trở thành những phụ tá đắc lực cùng xây dựng Xá Vệ Quốc của mình .

Thấu rõ được mình thì thấy luôn người khác, tất cả đồng một thể, một thức như nhau . Một ánh tâm đăng đã thắp lên được rồi thì tự nhiên ảnh hưởng và soi sáng cho muôn vạn cây đuốc tuệ đang còn lu mờ trở nên sáng suốt để cùng đốt chung một ánh lửa đại đồng .

PVK

Truyện

Thiền sư Tâm Không ra đề cho các đệ tử: Lục căn, Lục trần; mười hai vị hiển Thánh . Thông Luận lo phần lời bàn Mao Tôn Cương . Vô Lực phần truyện hoặc thơ, tùy nghi . Kinh và luận đã xong . Sư huynh khắc khoải ba ngày, ba đêm . Mạch điển bị nghẽn, không hóa văn được . Bụng bảo dạ: Phen này chắc nữa đường gẫy gánh .

Một tối khuya, ngủ gục trên án thư . Bỗng thấy mặc cẩm bào như một vị đế vương . Bay tuần du trong tiểu thiên quốc của mình . Nước chia làm sáu trấn . Quan trấn thủ được phong tước Hầu . Vị phú tá hàng Bá . Gồm Nhãn Hầu, cai quản con mắt . Vị phụ tá là Bá Tước Cách Văn Nhìn . Nhĩ Hầu chủ về tai . Quan cộng sự là Bá Tước Cách Văn Nghe . Tỉ Hầu trong coi về mũi . Quan giúp việc là Bá Tước Cách Văn Ngửi . Cũng thế Thiệt Hầu trách nhiệm lưỡi, làm việc chung với Bá Tước Cách Văn Nếm . Thân Hầu đồng liêu với nữ Bá Tước Cách Thị Cảm Giác nhũ danh là Sờ . Ý Hầu chủ về suy tư . Quan phó là Bá Tước Cách Văn Nghĩ . Trong mỗi trấn đều đói khổ, lầm than . Các Hầu Tước chỉ lo tửu sắc . Không màng việc chăn dân . Phần đất cai quản dần dần biến thành lãnh địa . Triều đình trung ương không còn uy lực . Hoàng đế chỉ là hư vị . Các Hầu Tước nhất loạt tự xưng là Lãnh Chúa . Dùng món sở trường của mình trao đổi với các lân quốc bên ngoài . Phóng túng hưởng thụ không còn giới hạn nữa . Thiên chức làm ngược lại hết . Nhãn Hầu bỏ hẳn chính sự trong nội trấn . Say mê các vũ điệu tân kỳ của các giai nhân tuyệt sắc . Nhĩ Hầu xoay hẳn hướng nghe ra ngoài . Ngài bị mất ngủ vì tiếng thở than não nề của thứ dân trong trấn . Tỉ và Thiệt Hầu cùng nhau thù tạc . Chén chú chén anh, cao lương mỹ vị . Thân Hầu hoang dâm vô độ . Ý Hầu cỡi ngựa ô, phi nước đại tứ tung ngũ hành . Chạy loạn khắp đại thiên . Lâu dần phong hóa suy đồi tại Lãnh Ðịa . Các vị chúa tể biến thành Lục Tặc . Trên kỳ đài treo cờ Tam Bành . Ðồng khởi loạn, đem quân về kinh . Rượt bắt Hoàng Ðế định nhốt vào Thiên Lao .

Ðến đây Vô Lực sợ quá tỉnh dậy . Té ra nằm mộng . Gà đã gáy sáng . Thiền sư Tâm Không đi ngang qua hỏi :

– Ðề án đã xong chưa ?

Sư huynh dụi mắt, nói lí nhí :

– Bạch chưa .

Thiền sư nạt lớn :

– Tại sao ?

Vô Lực thẹn thùng :

– Vì họ chưa hiển Thánh !

PHB

Chương 11

Kết thúc rồi lại tiếp
Sanh tử, luân hồi
Ðời đời bất diệt
Kinh cũ rồi kinh mới
Tiếp nối vô cùng
Chẳng gì khác lạ
Chơn lý chỉ có một
Ai nói hiểu sẽ không hiểu
Ai không hiểu sẽ hiểu
Chịu hay không chịu cũng phải chịu
Chơn lý thường hằng
Chẳng mất, chẳng được
Chẳng cầu, chẳng vọng
Tự nó bất biến
Tự nó vẹn toàn .

NM

Luận

Ðọc đến đây, hẳn chúng ta đã một phần chấp nhận cùng đi với kinh, cùng sống với kinh . Chương trước chúng ta đã phải cười khi thấy kinh nói ba lăng nhăng rồi tuyên bố chấm dứt . Chương này chúng ta lại cũng phải cười vì kinh vẫn tiếp tục cùng đi với chúng ta .

Thế mới biết sanh tử không phải là một sự chấm dứt mà là một sự tiếp nối hoài hoài, vô cùng vô tận . Tử đây là chết đi cái thể diện, tự ái, cao ngạo khi đã chịu nhìn thấy tánh mình . Sanh đây là hồi sinh lại thành con người mới thật thà đôn hậu hơn xưa . Cái đúng, cái hay bây giờ mai kia mốt nọ lại thành cái sai, cái dở . Cứ thế mà con đường tiến hóa không bao giờ chấm dứt .

Còn phân biệt đạo và mình sẽ không bao giờ hiểu đạo . Ðạo hay luật tiến hóa vốn nằm sẵn trong mình . Chối bỏ nó là tự hủy diệt mình mà thôi . Càng thật thà thì càng thấy tánh mình, nó chẳng bao giờ mất đi hay thêm bớt . Cái khác là phát triển nó trong sự sáng suốt chủ động hay trong sự lôi cuốn của vô minh mà thôi . Cái chơn lý đó, cái sáng suốt đó, cái thấy đó vốn không bao giờ thay đổi . Nó thường hằng vẹn toàn nhờ luôn luôn thấy được sự bất toàn .

PVK

Thơ

Hoa đào xuân đến, hồng đôi má,
Tiễn biệt thu đi, rụng lá vàng,
Tuyết xuống trong mùa đông lạnh giá,
Như người thiếu phụ quấn khăn tang,
Sinh ký, tử quy,
Lệ đổ hàng hàng …
Càn khôn vận chuyển,
Rồi xuân lại sang,
Cô miên giấc điệp mơ màng,
Tái sinh thành nụ, điểm trang ánh hồng,
Sanh sanh, hóa hóa bềnh bồng,
Quán thông một lý, là lòng chân như,
Bổ bất túc, tổn hữu dư,
Ngọn tâm đăng sáng, khư khư giữ gìn .
Biết bao đời, bao kiếp,
Vọng ngoại và u minh,
Có ngờ đâu đạo lớn,
Lại nằm ngay trong mình,
Thấy sai là mật khuyết,
Nên thường hằng quân bình,
Liều thân vào cửa tử,
Ðể tâm ra cửa sinh,
Chịu cho địa ngục hành hình,
Con đường giải thoát đăng trình thăng hoa .

PHB

Chương 10

Liên Hoa Diệu Pháp là bửu kinh không chữ
Viết thật nhiều
Chơn lý thật cao siêu
Thấy có đó nhưng lại là không
Càng suy nghĩ càng thêm mù tịt
Bỏ lý
Hiểu ý
Bỏ ý về không
Không rồi làm sao nữa ?
Không rồi lại có
Có rồi lại không
Có không, không có
Nói bậy, nói bạ
Kết thúc quyển kinh
Ai hiểu càng tốt
không hiểu ráng chịu
Chơn lý vẫn tròn .

NM

Luận

Tất cả kinh luận truyện ở đây và từ xa xưa đều không phải là chơn lý ! Ðó chỉ là phương tiện để thức tâm người đọc . Sự thức tâm đó mới là chơn lý . Sự thức tâm đó mới là bửu kinh vô tự, là sự sáng suốt của người chịu nhìn thấy chính mình .

Con người thật của mình vốn bất toàn và sai xót. Vì chối bỏ nó nên ta cứ mãi trầm luân hoặc phủ lên ta cái áo đạo đức tu học rồi tự giam mình trong một thiên dường giả ảo nào đó . Cái đẹp quí của bông sen vốn sinh ra từ bùn . Chơn lý hay bửu kinh vô tự của mỗi chúng ta vốn cũng có sẳn nơi tự tánh . Chạy theo văn tự để nhớ, để hiểu chỉ giải quyết được lòng tham lam của trí chứ không giải thoát được tâm . Tâm giải thoát vốn nó là không, cái không sánh suốt như một tấm gương . Nó sẽ có khi nhận lấy những đối ảnh, đối vật của cuộc đời . Nhưng khi ảnh, vật đi rồi thì tâm lại hoàn không . Luật có không, không có nầy vốn không phải là lý thuyết để hiểu, cũng không là ý niệm để gìn giữ trong đầu . Ðó là cái thức của người chịu thấy chính mình, thấy được tôi và người là một, không khác . Những bất toàn , sai xót của tôi và người cũng một thể như nhau .

Quyển kinh còn nói lên sự khiếm khuyết của nó là tự nhận nói bậy, nói bạ để trả người đọc về lại với chính họ, thấy mình và kinh không khác . Chơn lý vốn tròn ngay chỗ cái khuyết, vốn đầy ngây chỗ cái thiếu của chính nó mà thôi .

PVK

Thơ

Trong đáy sâu tiềm thức,
Bừng sáng nẻo u minh,
Hồi quang cho nội tỉnh,
Là vô tự chân kinh .
Tụng ngay vào tự tánh,
Hiện ra thực tướng mình,
Còn nguyên lục dục, thất tình,
Tâm minh trong sáng, chiếu hình phù du,
Luân hồi chuyển kiếp thiên thu,
Lạc trong rừng chữ, duyên tu ngỡ ngàng .
Hỏa thiêu tàng kinh các,
Bặt hết lý về không,
Chuyển thần lực xóa mờ ký ức,
Ðưa tâm linh giải thoát phiêu bồng,
Phá khung, tháo cũi, sổ lòng,
Trăm sông vào biển đại đồng nhất nguyên .
Càn khôn đồng một lý,
Nên tụ rồi lại tan,
Mưa rơi nước chảy trên ngàn,
Ðể cho con suối lại tràn vào sông .
Diệu không thành diệu hữu,
Khổ não hóa bồ đề,
Cõi đời mê chấp lê thê,
Nên dòng lý luận đi về, ngẩn ngơ,
Con tầm kéo kén, nhả tơ,
Lại thành văn tự, lời thơ dông dài .

PHB

Chương 9

Vay pháp, trả pháp
Ai hỏi trả lời
Vay pháp, đắc pháp
Ai hỏi chỉ cười
Trả pháp, không còn pháp
Ai hỏi nín thinh
Vay pháp, trả pháp
Nói cười như không .

NM

Luận

Ðến đây là bốn giai đoạn nói về những người đã thực sự bước chân vào con đường tu học sửa mình .

Pháp ở đây là Ðạo hay là con đường tu tập mà ta đã thọ lãnh và hành trì thì nên chia sẽ lại khi có ngươì hỏi đến . Kế tiếp, khi đã đắc pháp, tức là có pháp trong tâm, thấy mình và hiểu mình trong mỗi phút giây giao tiếp với đời sống, thì cũng hiểu luôn được người đối diện . Tuy nhiên, người đời đa phần vốn hiếu kỳ, chỉ muốn tìm hiểu để thỏa mãn túi khôn, để so sánh phân loại trình độ tu chứng của người khác . Trường hợp này, người hiểu đạo chỉ cười mà không nói, vì không muốn hơn thua lý luận, khoe khoang cái tôi của mình, cái đạo của mình vì lợi danh, độc tài muốn khuất phục đối phương . Thật ra, khi đã vào trung đạo rồi thì có gì không là đạo, một nụ cười cũng đủ diễn tả sự an lạc nội tâm . Ðây cũng là hành động của Ca Diếp khi thấy Phật đừa cành hoa sen lên . Thể nhập với đời sống để hòa vui cùng  bông hoa thì còn có gì sở cầu thêm nữa để mà phải trình làng cái túi khôn thừa thãi trong trí của mình .

Cái quân bình của trung đạo là quán thông nhân quả, thuận theo luật vay trả trong lẽ tự nhiên . Không còn một manh múm nào của cái tôi thích được đời thông cảm, yêu thương , trọng vọng, thì hà cớ phải trả lời, phải thỏa mãn những câu hỏi dư thừa, vô ích của thế nhân, nên đôi lúc làm ngu không nói gì vẫn là tốt hơn cả . Tuy nhiên, cái lầm lẫn vì cao ngạo của một số người tu là tưởng mình đã đứng ra ngoài nhân quả, không còn dính tới chuyện vay trả của cuộc đời . Thật ra, vay trả vốn là luật của đạo, của đời sống .

Do đó, cuối cùng ra, nói đạo, cười hoặc nín thinh đều là những hành động trả pháp tùy duyên, phục vụ trọn vẹn đời sống nhưng tâm không vương mắc một mảy may tranh chấp nào của dòng đời động loạn .

PVK

Truyện

Trong đám đệ tử của thiền sư Tâm Không, Vô Lực lớn tuổi nhất . Uyên thâm kinh điển . Súc tích lý đạo . Ðoạn trường đã qua nhiều cầu . Dễ cảm thông . Thường muốn giác tha, lợi nhân .

Một bữa sư phụ vân du . Vô Lực giữ thiền viện . Khoảng giờ ngọ, có khách đến tham vấn . Phong cách ảm đạm, u uất . Tự xưng là cư sĩ Lâm bất Khai . Vốn bặt thiệp, sư huynh mở lời trước :

– Tiên sinh chắc có chuyện buồn ?

Khách tâm sự tình huống gia cang . Ðôi lúc sụt sùi nhỏ lệ . Vô Lực động lòng trắc ẩn . Ðem đạo ra dẫn giải, an ủi :

– Cuộc đời phù du, bóng câu qua cửa . Tấm thân tứ đại, nay còn mai mất . Tất cả đều huyễn hoặc . Cớ chi buồn lẽ vô thường !

Bất Khai trầm ngâm, gượng gạo gật đầu . Sư huynh cả đẹp lòng vì toa thuốc của mình có vẻ kiến hiệu . Cao hứng bầy cuộc trà đối ẩm . Cùng nhau tranh luận về Ðạo . Tới đâu Vô Lực cũng ăn trùm hết . Không nhường họ Lâm nữa bước . Ðuối lý cư sĩ đầu hàng :

– Xin chịu thua sư huynh . Thật là quán thông kim cổ .

Ðược đà Vô Lực nối hơi, bước sang các lẽ cao siêu, huyền diệu . Chứng tỏ khả năng lậu tận thông . Ðến đây việc bào chế không còn giới hạn nữa ….

Màn đêm đã xuống từ lâu . Khách bắt đầu thấm mệt . Ðưa tay che miệng ngáp . Ðang loay hoay tìm cách thoát lui . Sư huynh triền miên thuyết giảng . Vốn liếng có bao nhiều dược liệu, đem kê tao hết . Cư sĩ đói và ngộ thuốc nên bị hoa mắt, nhức đầu . Lấy hết can đảm ngắt lời Vô Lực, xin tạ từ .

Sư huynh tiễn chân khách ra tới cửa tam quan . Không ngừng bồi dưỡng thêm những chân lý cao nhất mà mình mới thu nhập được .

Cư sĩ lảo đảo ra về . Toàn thân rũ liệt . Bao nhiều lý đạo rơi rụng hết . Chỉ còn trơ lại một nỗi u uất buồn .

PHB

Chương 8

Thật thà là chơn tâm hiện .
Càng minh thì càng thấy .
Thấy gì ?
Thấy : nhờ bùn sen mọc,
Nhờ tánh mới thấy tâm .
Cho nên tánh Phật vô nhiễm .
Sao gọi là tánh xấu ?
Xấu do tâm người xấu .
Sao gọi là tánh tốt ?
Tốt do tâm người phát .
Nguyên thủy tánh vẫn vậy .
Tâm thời vô nhiễm .
Phật tánh hiển lộ .
Tâm tánh đều đồng .

NM

Luận

Chơn lý chẳng qua chỉ là sự thật . Sự thật của chính mình ! Người tầm đạo giải thoát chẳng cầu thấy Phật , thấy Tiên mà chỉ cầu thấy được mình mà thôi .

Thấy chính mình là nhìn nhận sự bất toàn, sai sót, tội lỗi của mình để có cơ hội thực hiện tốt đẹp hơn, đưa mình trở về trạnh thái quân bình trung đạo . Người chỉ thấy mình luôn hợp lý, hay ho, tài giỏi là vun bồi sự cống cao ngã mạn và chối bỏ sự tiến hóa tâm linh rồi . Không có bùn thì chẳng có sen, không có phiền não thì cũng chẳng có bồ đề . Cùng là dục tánh nhưng phát triển trong sự mưu mô, lường gạt, đen tối đầy mặc cảm thì là Ma tánh; còn bộc lộ thẳng thắng công khai, minh bạch thì đó là tình thương yêu trong sáng hay Phật tánh mà thôi .

Lục dục thất tình vốn nó không xấu không tốt . Chính cái hình thức và thái độ biểu lộ nó qua chúng ta làm nó trở thành tốt hay xấu mà thôi . Khi ánh sáng mặt trời chiếu cho may tan gió lặng thì sóng tự lắng hòa vào biển cả đại đương . Cũng vậy, khi chúng ta dùng sự sáng suốt để thấy được những bất toàn sai sót của mình thì sóng phiền não tự lắng yên vào biển tâm thanh tịnh . Khi ấy còn có điều gì đáng để phân biệt tâm và tánh nữa đâu .

PVK

Truyện

Nương nương họ Mạch . Bà thân mẫu trước khi sanh nằm mộng thấy hoa sen, bèn đặt tên là Liên Nha . Nên duyên cầm sắt với cư sĩ họ Dương . Cùng với phu quân đồng tu . Lấy pháp danh là Hà Tiên .

Bản chất cần kiệm . Quán xuyến gia cang . Một sợi tơ, sợi tóc chẳng hề hoang phí . Khéo gìn giữ công, dung, ngôn, hạnh . Ai cũng khen là tứ đức vẹn toàn .

Bữa nọ lên đạo viện thăm thiền sư Tâm Không . Cư sĩ lén nhìn trộm Diệu Thanh . Nương nương bắt quả tang . Hơi châu khóe hạnh, nhưng cố giữ cho tự nhiên . A hoàn đã sữa soạn xong mâm trái cây dâng hương . Thấy hơi nhiều xót ruột, nương nương khe khẽ rầy rà :

– Lễ Phật là tại tâm, đâu cần mấy thứ này .

Từ đó lên đạo viện, không mua bán gì cả . Chỉ mang … tâm theo để cúng dường tam bảo .

Ngày kia, cư sĩ chịu hết nổi sự quản thúc . Gia đình xào xáo . Cơm, canh chẳng lành ngọt . Giềng mối phu phụ muốn rạn nứt . Sư nói sư nghe, vãi nói vãi hay . Bất phân thắng bại .

Thiền sư Tâm Không hóa giải . Cuộc nội chiến tại gia tạm yên . Nhiều lần như vậy, nương nương thức tỉnh . Tự thấy mình cũng có hơi … quá đáng . Dần dần nhẹ tay . Chồng con được nhờ . Tâm tánh cởi mở hơn trước .  Gia đạo yên vui .

Bỗng một hôm ngày thường, nương nương đi lễ . Ba con a hoàn lễ mẽ xách nhiều giỏ cam, lê, bưởi đủ loại theo sau . Thiền sinh túa ra kinh ngạc . Không Ái chạy vội lên mở cửa chánh điện . Diệu Thanh lật đật chuẩn bị bàn thờ . Thông Luận chắp hai tay, cúi đầu chào :

– Mô Phật ! Quả là lượng công đức tâm cao dầy .

Nương nương thật thà nói :

– Ðêm qua dông bão, vườn nhà trái cây rụng nhiều quá !

PHB

Chương 7

Người cũng là ta mà ta cũng là người .
Tội ta làm, người cũng làm .
Thật thà là hòa,
Công khai là Ðạo .
Phá được cái riêng,
Quy về một thức .
Pháp nói thật, nói ngay là pháp vô thượng .
Nói là nói chuyện mình,
Nói ngay là nói tội mình mà thôi .

NM

Luận

Lục dục thất tình vốn là bản năng chung của con người, chỉ khác nhau ở hình thức và thái độ bộc lộ ra mà thôi . Có người ý thức được hành động và tư tưởng của mình, có người không . Có người thẳng thắng bộc bạch ra, có người quanh co ém nhẹm đè nén nó . Chúng ta phân biệt mỗi người khác nhau theo cá tính bẩm sinh hoặc những đức hạnh tập tành điêu luyện được .

Tuy nhiên nếu thật thà với chính mình thì chúng ta phải thấy rằng cái căn gốc của lục dục thất tình vẫn còn nguyên vẹn trong ta, vì đó là khả năng sinh lý và tâm lý chung của một con người .

Vấn đề quan trọng là chúng ta có chịu chấp nhận tham, sân, si, dục …. đó là chính mình hay không mà thôi ! Khi đã chấp nhận con người thật của mình với nguyên vẹn lục dục thất tình, chúng ta sẽ không còn kỳ thị mình và người khác nữa . Cái riêng tư to lớn nhất vẫn là sự cao ngạo tưởng mình tài giỏi đức hạnh hơn người khác . Cái lầm lẫn tai hại nhất là nói thẳng và thật về chuyện người ngoài để bao che giấu giếm chuyện mình .

Nói thẳng và thật về mình không phải để khoe khoang khoác lác mà đã thực sự ăn năng những tội lỗi mình đã tạo khổ cho thân tâm và chấp nhận sự phê phán của búa rìu dư luận để chuộc tội và mài dũa đi sự ngạo mạn tự ái của mình .

Con người khổ sở phấn đấu vì chất chứa quá nhiều vấn đề trong nội tâm . Khi đã chịu nhìn thấy những phiền não đó và đem ra công khai ánh sáng thì còn có vấn đền gì ở đâu nữa để mà giải tỏa ?! Còn có pháp nào đáng đeo đuổi nữa để mà vun bồi túi khôn và lòng ham muốn của mình ?!?!?!

PVK

Truyện

Tiểu thư Thanh Thanh, con nhà quyền quý, trâm anh, thế phiệt, lá ngọc, cành vàng . Ðược nuông chiều quá thành hư . Thường giấu truyện Tây Sương Ký hay Hồng Lâu Mộng dưới gối nằm . Hàng ngày ngồi xe song mã, dạo chơi khắp kinh thành .

Bữa kia lọt vào mắt xanh một phong lưu công tử . Tình tự hẹn hò . Làm chuyện Liêu Trai . Sau đó mắc chứng hoa liễu . Gặp oan nghiệt, thức tỉnh muốn đi tu .

Ðến thiền viện Tâm Ðạo . Truyền gia nhân khiêng kiệu hoa về . Xin quy y .  Ðược Thiền sư Tâm Không nhận làm đệ tử . Thay đổi xiêm y . Ăn mặc nâu sồng . Trước khi  chính thức hành lễ, tiểu thơ làm tờ XÁM . Thành thật khai hết tội lỗi . Tịnh tâm một thời gian để ăn năn . Ðoạn tuyệt với quãng đời cũ .

Tới ngày thí phát, đúng giờ thìn một hồi chuông đổ ngân nga . Các đồng môn nghiêm chỉnh tuần tự vào chánh điện . Tọa trên các bồ đoàn . Thiền sư mặc lễ phục, cầm thiền trượng đứng . Thanh Thanh quỳ đọc tờ XÁM . Mặt mày tái mét, cắt không còn hột máu . Hai tay run rẩy, giọng lạc hẳn đi . Chấm dứt bài, phủ phục ba lạy tạ tội . Xong, đứng chết trân . Cảm thấy như đi vào địa ngục, chịu hành hình . Cử tọa im phăng phắc . Thiền sư lên tòa giảng . Ban đạo từ :

– Lành thay, phần hồn đã thức tỉnh . Tự đàn hạch, ân hận về những lỗi lầm đã làm . Trở về trách nhiệm Tiểu Thiên Quốc của mình . Từ nay tờ XÁM nên gọi là THIÊN CHỈ . Pháp danh của con là Diệu Thanh .

Tan lễ, thiền viện đãi tiệc chay . Diệu Thanh cùng đám thiền sinh trẻ hầu bàn .  Tựa như cải tử hoàn sinh . Gặp ai cũng vui vẻ nói cười . Trong đám thực khách có Hà Tiên phu nhân . Phong cách đoan trang . Nương nương ném con mắt khinh thị về phía Diệu Thanh, nghĩ thầm: Ðúng là đồ trắc nết . Thật xấu hổ . Uế tạp chốn trang nghiêm .

Chợt một nam tu sinh trẻ tuổi chạy đến . Dung mạo tuấn tú, khôi ngô . Chỗ quen biết trước . Vừa mời trà vưà nịnh :

– Cách đã lâu không gặp . Nương nương càng ngày càng trẻ và đẹp ra .

Phu nhân cả đẹp lòng . Cười tươi như hoa . Kín đáo vuốt lọn tóc mai, sửa lại cây trâm cài cho thêm phần duyên dáng .

PHB

Chương 6

Tìm Phật sẽ thấy Ma .
Học Phật thành Phật .
Bỏ Phật thì gặp Ma .
Thấy Ma rõ ta là Phật .
Ma đó, Phật đó .
Phật đó, Ma đó .
Vô cùng vô tận .
Thấy đó mất đó .
Không bỏ, không giữ .
Thanh tịnh thường hằng .
Thành Phật tức khắc .

NM

Luận

Ma và Phật ở đây là tánh Ma và tánh Phật trong mình . Rõ hơn, trạng thái quân bình thanh tịnh là Phật tánh; ngược lại, động loạn bất an là Ma tánh mà thôi . Hai trạng thái nầy hiện diện liên tục trong ta và ngoài ta . Nghịch cảnh hay cám dỗ xẩy đến, ta liền bị lôi cuốn theo với một loại dục vọng hay tình cảm tương ứng nào đó . Thế là con ma lục dục thất tình đã hình thành ngay trong ta . Xa lánh hay tiêu diệt nó thì nó lại bành trướng hoặc biến dạng phức tạp hơn . Ngừng lại để bình tâm nhìn thấy và chấp nhận cái tánh đó của mình thì tự nó lắng yên và trở lại quân bình .  Ðó là cái mấu chốt của Ðạo ! chỉ đem sự sáng suốt để nhìn nhận sự tăm tối của mình mà thôi . Cái ý niệm muốn tiêu diệt sự tăm tối đã là mầm mống của chiến tranh và động loạn rồi .

Ma tánh và Phật tánh, động và tịnh, chánh và tà thay nhau tiếp diễn, hòa lẫn nhau không ngưng như tối và sáng, ngày và đêm . Không mong cầu ôm giữ cái chánh thì hà cớ phải bận tâm kỳ thị diệt bỏ cái tà ?!

Lòng người phức tạp đảo điên nên thật khó mà chấp nhận những điều đơn giản . Chỉ cần nhận chơn được cái Ma tánh của mình để tự lập quân bình ngay mỗi lúc . Thường quân bình thì đã tự đưa ta đến bờ mê mé bên kia, đâu phải nhọc lòng chư Phật, chư Tổ nữa ru ?!?!?!

PVK

Truyện

Cư sĩ Thanh Tu rất thích về thần thông . Chuyện gì dẫu đơn giản cách mấy, cũng có thể biến nó ra huyền ảo và phức tạp . Các đồng môn tặng cho biệt danh là Minh Linh (con nhện) . Minh cũng có nghĩa là tối mờ mờ, ảo ảo không tối thui như u minh . Linh là kỳ diệu huyễn hoặc, ẩn hiện ảo hóa khôn lường . Thật vậy, hạnh phúc của cư sĩ thường được cột trói trong cái màng tơ đa niệm của chính mình dăng ra . Dò sông dò biển dễ hơn tìm hiểu tánh tình của họ Dương . Thích tu về thanh giới mà cứ thầm lén đọc truyện Liêu Trai . Bình thường tướng pháp rất đoan trang . Thấy nữ giới diễm kiều, lập tức tà dâm ngùn ngụt bốc cháy mờ mịt . Những lúc này Thanh Tu phải đi vào hậu trường nhường vai cho Minh Linh đóng .

Một bữa Hà Tiên phu nhân bồng con đến gặp Thiền sư Tâm Không . Nước mắt ngắn dài . Mới hay cư sĩ bị ma nhập . Tự xuống tóc cạo nhằm chỗ phạm, máu me đầm đìa . Bệnh nằm rên rỉ trên giường . Tà khí ở ngoài … giao duyên với bên trong . Họ Dương trong trạng thái minh linh, nằm thở khò khè . Hiền nội quỳ bên giường khóc lóc, nhắm mắt chắp tay khấn nguyện thầm :

– Cắn rơm cắn cỏ, trăm lậy mớ bái xin hồn cô bóng cậu tha cho tướng công con . Muốn gì con sẽ hàng ngày cúng quẩy .

Thiền sư châm cứu . Dùng y đức làm thần để trợ, bắt cư sĩ thở pháp luân . Lúc đầu thoi thóp, từ từ mạnh dần . Tự trục để tự cứu . Khôi phục lại quân bình . Gia đạo yên vui .

Thiền sư đi khỏi vài bữa, ý lực phản tỉnh yếu dần . Ma chướng trong ngoài dập dìu . Phu nhân tay bồng, tay dắt con cầu cứu . Xin cho phu quân tá túc trong đạo viện trị bệnh . Thiền sư nhận lời .

Sau một tuần khỏi bệnh . Hà Tiên rụt rè khe khẽ hỏi Thiền sư :

– Bạch sư phụ ra rồi ?

Thiền sư ngơ ngác :

– Cái gì ra ?

Phu nhân nói lí nhí như sợ có ai nghe được sẽ sanh tâm oán thù :

– Bạch … “Chư vị thiêng liêng” .

Thiền sư cười xòa :

– Thanh Tu vốn có sẵn nào phải ngoại nhập .

Từ đó cư sĩ sống rất yên vui . Hạnh phúc gia đình êm ả . Mỗi khi gặp nạn nữ sắc làm cho lửa dâm bùng cháy, sóng gió ba đào rối loạn ; thường đem câu thần chú của Thiền sư cho quay vào trong thầm đọc : Tôi là Minh Linh, chính tôi là Minh Linh, đích thị tôi là Minh Linh . Tức khắc lửa tắt, sóng yên, bệnh khỏi .

Tương truyền rằng thời bấy giờ ai cũng cho là lạ .

PHB

Chương 5

Pháp nào hay ?
Pháp nào dở ?
Pháp hướng nội là pháp hay,
Pháp hượng ngoại là pháp dở .
Không ngoại làm sao có nội ?
Không nội làm sao có ngoại ?
Không hay, không dở ,
Không mê, không chấp .
Nhìn ngoài để thấy trong,
Nhìn trong để hiểu ngoài .

NM

Luận

Pháp vốn không hay, không dở, chỉ tự tâm hành giả mà thôi .

Tu hướng nội là quay vào trong để tìm hiểu mình, thấy được cái khuyết của mình để lập lại quân bình, để giải thoát ra khỏi mọi vấn đề trong cuộc sống . Cứu cánh nhằm tìm một sự bình an, một hạnh phúc bên trong tâm hồn .

Tu hướng ngoại là tìm một thiên đàng, một nơi giải thoát ở bên ngoài, ở đời này hoặc đời kế tiếp .  Ðồi khi quá quan trọng cái hình tướng bên ngoài, vun bồi cái áo tu để được yên tâm, để được mọi người nể vì, tôn kính .

Hướng nội không phải là chạy trốn cuộc đời, mà ngược lại, phải dấn thân vào đời mới có cơ hội thấy mình . Ở chốn tịch liêu làm sao biết được tâm mình còn động loạn hay không ? Có vào trường đời mới đo được tâm ta mê hay chấp .

Cuối cùng ra, nội hay ngoại, bên trong hay bên ngoài đều không thể tách riêng ra được vì nó vốn bổ xung, liên kết làm một với nhau . Ðó là cuộc sống và tu là biết sống an vui hạnh phúc mà thôi .

PVK

Truyện

Lại nói về sư huynh Vô Lực . Chuyện ngàn lẻ một đêm .  Ðang tự nhiên vui, bỗng hóa ra buồn . Nhân sinh quan bi phẫn . Ra vườn ngâm cổ thi để trút nỗi phiền :

Ðàm lai thế sự, kim năng ngữ
Thuyết đáo nhân tình, kiếm dục minh .

Nghĩa là: Phàm việc đời, không tiền ắt chẳng xong . Nói về tình người, muốn tuốt gươm ra khỏi vỏ .

Không Ái ngạc nhiên, chạy lại hỏi :

– Sao bữa nay sư huynh không đi làm việc ?

Vô Lực buồn rầu trả lời :

– Chỉ còn được trả lương bán thời gian . Phải cong lưng gia tăng tốc độ để năng xuất như cũ . Thất là bóc lột .

Không Ái an ủi :

– Ðời mà !

Rồi bỗng thắc mắc hỏi thêm :

– Sư huynh có biết vì sao không ?

Vô Lực lạnh lùng :

– Thương mại là như vậy . Chèn ép, mánh lới là nghề của giới chủ nhân .

Vừa lúc đó, Thông Luận tay cầm tờ báo, miệng la lớn :

– Chiến cuộc sắp bùng nổ . Kinh tế suy thoái .

Thấy Vô Lực mặt buồn hiu, Thông luận khẽ hỏi :

– Sư huynh sao vậy ?

Vô Lực tình tự, than van . Thông Luận méo mó nghề nghiệp, lý giải :

– Thời này muốn sống còn, các cơ sở kinh doanh phải co lại . Gặp lúc khó khăn, bất đắc dĩ họ mới làm vậy . Thiên lý đồng phong, không riềng gì sư huynh . Có chăng là tại thằng gây ra chiến tranh .

Vô Lực nhíu mày, bực bội :

– Ðúng rồi ! nguyên nhân là thằng gây ra chiến tranh, làm kinh tế suy thoái . Phải lên án, vạch mặt chỉ tên .  Tội phạm chính là nó .

Thiền sư Tâm Không ngồi độc ẩm ngoài trái hiên . Nghe rõ nguồn cơn . Ðứng dậy đi về phía Vô Lực, tủm tỉm cười :

– Còn cái thằng SO ÐO thì sao ?

PHB

Chương 4

Sao là Trung Ðạo ?
Trung Ðạo là ở đâu ?
Bao nhiêu mới gọi là vừa ?
Không không gian,
Không thơì gian,
Trung Ðạo là tự thấy mình .

NM

Luận

Trung đạo là một đường lối, một phương cách đưa con người trở về trạng thái quân bình . Mỗi một cá nhân, tùy theo hoàn cảnh và thời gian, có một mức độ quân bình thích ứng riêng biệt .

Không thể rập khuôn theo một mẫu mực hay một cá nhân nào đó để tự lập lại quân bình cho mình .

Mọi tranh chấp và ham muốn phải hoàn toàn lắng yên thì quân bình tự đến chứ chẳng thể cưởng cầu .

Khi khởi ý muốn dẹp mọi tạp niệm để cầu được thanh tịnh thì đồng lúc tạo ra sự tranh chấp và một thứ dục vọng mới rồi .

Thấy được sự tranh chấp và dục vọng đó là bước vào Trung đạo .

Trung đạo là một trạng thái  vô nhiễm vì đã giải thoát ra khỏi vấn đề chứ không là một trạng thái thỏa mãn vì đã giải quyết được vấn đề đó .

PVK

Truyện

Lý Viên Ngoại là chỗ thâm giao với thiền sư Tâm Không . Một hôm nhà có kỵ , mời thầy trò cùng tham dự . Trên bàn tiệc, đầy đủ sơn hào hải vị, Ðặc biệt có món bún thang miền Bắc, ăn với mắm tôm chính gốc . Cá kho tộ miền Nam . Mắm ruột miền Trung . Không Ái ghé tai Thông Luận :

– Phen này sư huynh vào cửa tử . Cá và các loại mắm không biết ăn từ nhỏ . Sợ còn hơn cha chết .

Rồi cả hai lấy tay che miệng cười khúc khích . Thực khách vào tiệc . Chén chú chén anh . Rượu đã ngà ngà, viên ngoại lên tiếng :

– Nhân đọc Lão, đến câu: Thiên chi đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc .  Ðạo Trời, bớt chỗ thừa bù chỗ thiếu . Chưa được thông suốt, xin liệt vị chỉ giáo .

Thiền sư đưa mắt nhìn hàng đệ tử . Thông luận đẩy vấn đề:

– Xin mời sư huynh . Người uyên bác, tham cứu kinh sách nhiều . Chúng tiểu đệ xin nhường .

Vô Lực từ hồi giờ gắp lia chia chả quế, nem chua . Rất thích thứ này . Cac món khác tuyệt nhiên không đụng đũa . Sư huynh ngừng ăn . Hếch hếch cái mặt lên lấy thế uy nghi, rồi dõng dạc :

– Ðạo là luật quân bình . Trung đạo có phận sự Ðiều Chỉnh mê, chấp . Mê là quá yêu thích . Chấp là quá kỳ thị . Nên phải tổn đi cái thái quá, bổ khuyết cái bất cập .

Viên ngoại khen nức nở :

– Quả không hổ danh sư phụ . Thật bất hư truyền .

Rồi quá yêu, đích thân gắp món mắm ruột hiếm quý và cá kho tộ tiếp cho sư huynh . Vô Lực nhìn chén đồ ăn, chết trân . Vội cắn một miếng ớt thật cay làm đà rồi nhắm mắt, nhắm mũi nuốt trọng miếng mắm ruột . Thiền sư nhìn thấy chúm chím cười .

Vốn trọng kẻ có tài . Viên ngoại tự tay tra mắm tôm, vắt chanh vào bát bún thang cho sư huynh . Mùi mắm xông lên . Vô  Lực tái mặt . Lấy khăn che mũi cho khỏi ói . Không Ái nói nhỏ :

– Xin Ðại sư huynh ráng ÐIỀU CHỈNH . Chớ để trạng thái mất quân bình lòi ra .

Nói xong che mặt cười . Vô Lực sợ quá, ngồi ngây như trời trồng ….

Thì ra TRI va HÀNH cũng có đôi khi chẳng hiệp nhất .

PHB

Chương 3

Sao là sai ?
Sao là đúng ?
Thấy sai gọi là đúng .
Không sai, không đúng
Quân bình nội tâm
Tự nhiên vô sở cầu .

NM

Luận

Ðiểm khác biệt quan trọng nhất giữa người tu và người không tu là mỗi khi có vấn đề xẩy đến, người không tu tìm cái đúng còn người tu chỉ luôn tìm điểm sai của mình .

Thấy mình đúng kèm theo những lý luận và hành động để bảo vệ nó .

Thấy mình sai là chấp nhận thua thiệt, mất mát cái thể diện, tự aí của mình . Dẹp mọi tranh chấp nên không còn vấn đề nữa .

Người đời vì có sở cầu muốn giải quyết vấn đề để thu hoạch được một điều gì đó, nên xuôi theo dòng nhân quả luân hồi .

Người đạo không giải quyết vấn đề mà đi ngược vào nội tâm để giải quyết chính mình . Thấy được những khiếm khuyết, tìm ra căn gốc sai lầm của mình đã tạo ra vấn đề đó, chấp nhận để giải thoát ra khỏi vấn đề .

Cái đúng khi thấy mình sai không có ý nghiã đối đãi giữa sai và đúng mà chỉ là một trạng thái quân bình trong nội tâm khi đã thoát ra ngoài mọi tranh chấp của thế nhân .

An nhiên tự tại thì còn có gì để mà mong cầu nữa ?!?!?!

PVK

Truyện

Sư huynh Vô Lực thích làm Ðại Trượng Phu .  Ðọc đạo sử rất mê hành động ngược đời của các thiền sư . Ðốt tượng Phật để sưởi như Ðơn Hà . Chớp mắt rũ xong ba kỳ kiếp, búng tay tám vạn pháp môn thành như Huyền Giác . Cái hào khí phiêu diêu thoát tục đó bàng bạc trong thơ sư huynh . Ưa làm thầy . Hay dùng túi khôn, lấy lý đè người . Trong hàng đồng  môn, sư huynh bóp mũi khá nhiều . Lâu dần tưởng mình cũng chỉ còn một mảy may nữa là xém đặc pháp vô thượng .

Một ngày nọ, cùng Thông Luận, Không Ái theo thiền sư Tâm Không về thăm Tổ Sư . Nghe đồn ngài ưa dăng bẫy . Không có thực chất là mắc lưới liền .

Vô Lực ăn khỏe gấp ba người thường . Tuổi già, bụng phệ nên đi chậm . Một ngày đường mới tới nơi . Thầy trò vào hậu liêu thăm hỏi Tổ Sư . Gặp lại đệ tử, ngài mừng lắm . Giảng về phép dưỡng sinh . Cách tẩy uế, thanh lọc tiểu và đại trường . Tổ nói chuyện với Thiền sư Tâm Không rất tương đắc . Ngài khen nhiều . Vô Lực, Thông Luận và Không Ái rất mực hừng chí . Nhất là sư huynh, lòng hiu hiu như diều gặp gió .

Chợt Tổ quay về phía Vô Lực ban đạo từ :

– Bụng ngươi quá lớn . Phải hành pháp Thủy Lưu Ðại Trường (colon therapy) nhiều lần . Tập dưỡng sinh . Ăn chậm và ít lại .

Vô Lực cuối đầu thẹn thùng . Một điểm sáng loé lên trong thần thức . Sư huynh trả lời Tổ :

– Thưa tại con sai, tham ăn tục uống .

Nói xong, thấy thư thái, nhẹ nhàng .

Tổ cười tươi như hoa :

– Không phải người . Tại cái con trùng trong đại trường .

Sư huynh ngồi im, không cải chính . Lòng lâng lâng .

Tổ tiếp tục giảng về phép dưỡng sinh . Một hồi lâu, quay về phía Vô Lực nhắc lại :

– Bụng ngươi chướng lên là do đại trường tích lũy quá nhiều uế tạp . Phải hành pháp Thủy Lưu để tống ra . Tất cả nguyên do chỉ tại con trùng .

Sư huynh vẫn ngồi yên . Mặt mày tươi tỉnh . Xem ra có vẻ đắc ý lắm .

Cả bọn từ biệt Tổ Sư . Ra đến của tam quan, Vô Lực khoái chí cười toe toét . Thỉnh thoảng Thông Luận lại ghé tai Không Ái nói nhỏ . Xong là chúng cười phá lên . Mắt liếc về phía Vô Lực . Cười đã đời Thông Luận vòng tay thi lễ :

– Sư huynh đọc sách nhiều . Quán thông kim cổ, nho chùm . Ngu đệ thắc mắc muốn hỏi :

Vô Lực đáp :

– Hỏi đi !

Thông Luận nói :

– Dám hỏi sư huynh Ðại Trượng Phu là gì ?

– Vô Lực giọng trang nghiêm :

– Ðại Trượng Phu là kẻ tài trí hơn người . Ðầu đội trời, chân đạp đất . Bụng làm, dạ chịu .

Thông Luân và Không Ái phá lên cười ngặt nghẽo . Cười chãy cả nước mắt nước mũi ra . Sư huynh chột dạ hỏi :

– Tụi bay cười gì ?

Cả hai đồng thanh :

– Chúng tiểu đệ trộm nghĩ, khí phách của một ngài Ðại Trượng Phu to lớn như vậy, lẽ nào đi đổ lỗi cho một con trùng .

PHB

Chương 2

Con ếch lim dim,
Con mèo rình chuột,
Là tư thế Thiền .
Tâm định,
Tánh động,
Thần tri .
Tỉnh thức là Thiền .

NM

Luận

Muốn thiền phải dọn mình để có được một tư thế .  Sự tỉnh thức và chú tâm của ếch và mèo nói lên tư thế đó . Chỉ cần một vật lạ chạm đến hay có bóng chú chuột xuất hiện thì ếch và mèo từ hai khối bất động phản ứng ngây lập tức, đối phó đúng lúc và liền tức thì .

Thiền cũng thế ! cần tỉnh thức và chú tâm để nhìn thấy chính mình . Tánh và thần cũng chỉ là hai trạng thái của tâm . Biến động, chuyển dịch, phản ứng theo giác quan, theo ngoại cảnh thì gọi là tánh . Chịu dừng lại để nghe, để nhìn, để thấy cái tánh đó là cái thức của thần .

Cái nhân đức của người tu nằm ở chổ không chủ trương tiêu diệt cái tánh mà chỉ cần nhìn thấy và chịu trách nhiệm cái tánh đó của mình . Sự chân thật, thường hằng, chuyên chú theo dõi những biến động của tánh là nuôi dưỡng sự tỉnh thức, đưa mình trở về trạng thái quân bình, trung đạo .

Người đời thì bảo vệ và phát triển cái tánh của mình . Người tu thì lại chối bỏ và muốn diệt nó . Thiền chỉ cần nhìn thấy và chấp nhận nó là mình .

PVK

Truyện

Thiền sư Tâm Không rời tu viện Tâm Ðạo về thăm Tổ tại Nhị Không .  Ði theo có Vô Lực, Thông Luận và Không Ái . Khởi hành từ sáng sớm . Ði lạc trong rừng đến chiều mới tới nơi .  Người xưa cảnh cũ vẫn thế . Riêng Tổ Sư, mười phần xuân có gầy ba bốn phần . Ðến tối, các đồng  môn theo ngôi thứ vào chánh điện tọa thiền nghe pháp . Tuần này Tổ giảng kinh Ðại Trường . Thiền tứ thời . Mỗi thời tụng hai biến . Thông Luận hỏi khẻ :

– Này sư huynh hai biến thì tọa bao lâu ?

Vô Lực nhăn nhó :

– Khoảng một tiếng rưỡi .

Tổ Sư đăng đàn . Phía dưới tất cả đã trong tư thế tọa thiền . Vô Lực ngồi bán già . Bên tả là Không Ái . Bên hữu là Thông Luận . Cả ba đều ở hàng cuối . Hết một biến, sư huynh đầu gối đau nhức chịu hết nổi . Lén nhìn trước nhìn sau quanh phòng . Tất cả đều nhắm mắt . Nhanh như cắt, Vô Lực đổi chân . Vẫn đau, càng ngày càng đau hơn . Không nghe kinh kệ gì nữa hết . Sư huynh cắn răng khống chế nổi nhức nhối . Bỗng phía hữu có một chân ai thò ra ngoài áo tràng . Nhìn lên thì là Thông Luận . Mặt mày méo xẹo . Phía tả Không Ái đã duỗi cả hai chân . Có lẽ từ lâu nên coi bộ thoải mái lắm . Không ngần ngại Vô Lực cũng đành thả hai chân ra theo thế … đồng thanh tương ứng . Chưa đủ, để cho có vẻ Vô Sở Cầu sư huynh ghé lưng tựa vô tường . Bỗng Vô Lực bụm tay che miệng cười . Quả thật hậu sinh khả úy . Thông Luận và Không Ái đã nằm phè ra theo thế ngọa thiền .

Cũng chỉ tại vạn vật đồng nhất thể nên mới ra nông nổi đồng nhất lý .

PHB

Chương 1

Không lễ chớ làm,
Không lễ chớ nghe,
Không lễ chớ nói,
Không lễ chớ nhìn .
Ðây là bốn vé tàu chở thẳng xuống địa phủ, thọ tội và luân hồi .
Ðây cũng là đức độ người chơn tu .
Sao mới gọi là tội ?
Sao mới gọi là phước ?
Chấp mê gọi là tội .
Tự tri gọi là phước .

NM

Luận

Hoa sen vốn sanh ra từ bùn . Ðạo giải thoát cũng từ cõi đời trần trược khổ đau này mà phát . Thấy được tâm chính nhờ cái tánh chấp mê lục dục thất tình . Bỏ bùn ra chẳng có sen, lìa đời không có đạo, diệt tánh thì mất luôn cả tâm . Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nhằm nói về pháp môn Kiến Tánh, thấy tánh để tìm lại Tâm, nhờ đời để mà hiểu đạo .

Cuộc đời vốn vẫn như thế! Xã hội và luân lý luôn luôn có những khuôn thước, quy luật để ràng buộc con người vào một trật tự chung . Tu hay không tu cũng đều phải thuận theo dòng sinh hoạt này, cái khác chỉ là mục đích và đối tượng mà thôi .

Người đời giữ lễ với mọi người chung quanh để vun bồi cái thể diện, cái danh giá của mình . Vì thế trở nên khó khăn, độc tài . Phải đè nén, hãm mình, rồi kỳ thị, chê bai, chà đạp những người mà mình cho là thất lễ . Cảnh dằng co, xâu xé trong nội tâm và ngoài xã hội đó gọi là địa ngục .  Tạo khổ vì ác với chính mình . Tạo tội vì xây dựng chấp mê .

Người chơn tu giữ lễ với đối tượng là chính mình . Làm, nói, nghe, nhìn theo những ý muốn trung thực bên trong, không sống giả dối đãi bôi và tự lừa gạt mình nữa . Ðiều quan trọng là phải trách nhiệm, chấp nhận mọi hậu quả và phê phán của dư luận chung quanh để có cơ hội thấy những khiếm khuyết ngõ hầu lập lại quân bình .

Tự tri không đến bằng sự trầm tư suy nghĩ mà có được nhờ thực chất dấn thân . Dấn thân để sống thực với đời thì dầu có bầm dập ê chề, dầu bị chê bai khinh rẻ nhưng vẫn đang là lập hạnh bồi đức, là vun bồi cái phước duyên để phát triển đạo tâm .

PVK

Truyện

Thiền sư Tâm Không dành một ngân khoản cho Không Ái đi tu học . Ðề mục là YÊU để cởi mở tâm tánh .

Sư đệ tham công án, tái mặt . Một tháng sau trong buổi trà đàm thiền sư hỏi lại :

– Ðã có cô nương nào lọt vào mắt xanh chưa ?

Không Ái mặt đỏ bừng, ấp úng trả lời :

– Thưa chưa .

Thiền sư nghiêm mặt :

– Chấp hành công án không được là thiếu tu . Còn ở đây làm gì ?

Sư đệ xin triển hạn . Xách túi nải xuống phố chợ xin việc làm . Ðược nhận vào xưởng ươm tơ, dệt lụa . Ở đây các thiếu nữ nhiều vô số kể . Không Ái đã ngoài tứ tuần . Vốn ít nói, lại nhát nên đường Ðạo có hơi bị tắt tị .  Thường che đậy, giấu diếm . Thiếu thật thà cởi mở . Kỳ thị tình yêu . Không dễ tha thứ và hòa được với người chung quanh .

Một ngày xuân đẹp . Cơ duyên đưa đẩy . Sư đệ được trao việc lựa kén để ươm cùng mới một ả tên Mộng Ðiệp .  Ðứng bên người đẹp, nói chẳng nên lời . Toàn chuyện trên trời mưa, trời nắng . Chiều về khoe với sư phụ . Thiền sư cười nói :

– Hãy mời cô nương ấy cùng đi ăn tại Long Phụng tửu lầu !

Không Ái dạ một tiếng nhỏ yếu ớt . Ngày hôm sau đến xưởng làm việc . Gặp người đẹp . Sư đệ đi tới định mời, rồi lại đi lui . Rồi lại đi tới, lại đi lui . Ði tới, đi lui . Cuối cùng nhất quyết đi … lui luôn . Sợ mới quen e bị từ chối .  Chiều về thiền sư cười , ướm hỏi ;

– Sao, cá đã cắn câu chưa ?

Không Ái ấp a, ấp úng nói lí nhí chẳng nên lời . Thiền sư quyết không tha, nạt lớn :

– Ta hỏi ngươi, đã mời được Mộng Ðiệp cô nương đi ăn chưa ?

Sư đệ sợ quá, nói đại :

– Thưa sư phụ nàng đã có chồng rồi !

Xưởng ươm tơ hết việc . Không Ái bỏ lỡ dịp . Chẳng hóa giải được công án bằng hương vị ngọt ngào, tươi mát và dịu dàng của Tình Yêu .

PHB

three-wise-men

Diệu Pháp Liên Hoa Kinh

Kinh : NM
Luận : PVK
Truyện và Thơ : PHB

Kính dâng lên Ðức Thầy Lương Sĩ Hằng luận án tu hành .

Ðại sư huynh 5 tháng trước khi viên tịch thì tự tay đem đi sao chép (photocopy) và may lại cả chục cuốn kinh để sau này có dịp thì Nhị sư huynh và tui có thể biếu cho những người hữu duyên .  Ðại sư huynh đã tự đề thơ trên mỗi cuốn kinh như sau :

Thanh điển giáng lâm thành bút tự,
Giải tan tâm tối, thoát lao lung !
Huyền cơ mở khép theo từng chữ !
Nhìn xuống trang kinh, lửa bập bùng

Mộng Lệ An, ngày 9 tháng 9 năm 2001
Trung Chính Quang Minh cẩn đề
PHB

dsc_02941

Luận Án Tu Hành

Ở đời có học, có thi, có ra trường rồi có luận án để trình làng là chuyện bình thường . Khi đã hoàn tất chặn đường dài trên thì chỉ còn có sống với những gì mình đã đạt được. Những kinh nghiệm trãi qua sau đó cũng giống như người uống nước thì nóng lạnh tự biết .  Cái đạt được không hẳn là một thành quả miên viễn mà là một phương tiện để tiến hóa đến vô cùng . Không dừng lại ở nơi nào đó vì căn bản và cái lỏi của Ðạo đã là thấy sai để luôn luôn sửa sai thì làm gì có sự ngơi nghĩ trên một chiến thắng nào giữa mình và mình phải không ?  Ðến khi đạt tới cái Không huyền bí kia mới thấy rằng trong Không nó còn cái Có thì nói làm gì đến KHông cả cái Không cho phí giấy mực .

Kể từ đây cõi vô hình sẽ trình làng luận án tu hành .  Con đường (đạo) này có phù hợp với mọi người hay không cũng không phải là điều quan trọng, nhưng nó là con đường của ít nhất là ba người đã cùng đi với nhau mấy chục năm . Ba người đã thử nghiệm, đã dầy công truy tầm cho ra “mình là ai” và hôm nay “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” đã ra đời .

Nói đến Kinh thì cũng xin nói cho rõ để rồi có người lại hiểu rằng Kinh chỉ có của Phật mới được gọi là kinh . Nhưng theo quan niệm của tụi tui thì Kinh là kinh điển trong con người của mình, mình khai thông được nó thì mình biết đường biết lối để mà nói lại cho rành mạch .

Tại sao gọi là “Diệu Liên Hoa” ? vì một lý do rất đơn giản là tui đã được ông Thầy tui cho cái tên như vậy trước khi tui từ giã Thầy về Thiền Viện rồi sau đó hạ sơn .

Sau nhiều năm tháng thực hành rốt ráo những gì đã viết trong luận án tụi tui nhận xét thấy rằng “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” là ở trong mọi người và của mọi người không là của riêng một ai .