Chương 29

Lục phẩm tiên
Trương Quả Lão
Cái gì thuận mới làm
Bầy ra khuôn thước
Tự mắc bẫy mình
Tức mình làm nghịch
Trong tử có sinh
Ðời đời sống động.

NM

Luận

Phẩm hạnh thứ sáu là phá mê phá chấp. Ðến một giai đoạn nào đó, khuôn thước lại trở thành ràng buộc, giam hãm mình trong những thành kiến và định kiến, không sao sống thoải mái thong dong được.

Người đi học đã rời khỏi mái nhà trường thì không thể áp dụng cứng ngắc những công thức đã học, mà phải uyển chuyển theo lúc theo thì, vì cuộc đời luôn đổi mới và sống động không ngừng, nào có chiều theo ý chúng ta mãi được đâu.

Người tu hành cũng thế. Từ giới luật của thân rồi tiến đến giới luật của tâm. Tâm giới cốt sao giữ được quân bình trong sáng, không nuôi dưỡng sự tăm tối mặc cảm bên trong. Vấn đề quan trọng là phá đi một cái chấp của mình không phải dễ, vì đó là giết chết đi cái thói quen, cái thể diện, cái áo tu của mình đối với mọi người. Chỉ khi nào sự khao khát giải thoát đủ mạnh, sự dồn ép của nghịch cảnh đi đến độ tột cùng, tâm thức mới vùng lên làm một công án nghịch hành, chấp nhận mọi dèm pha dư luận thế gian, làm chuyện ngược đời, xoay người lại cỡi lừa đi vào cửa Ðạo.

Phải chết đi cái đạo mạo trang nghiêm giả dối bên ngoài để hồi sinh lại thành một đạo nhân tự tại thong dong. Ðời có chê cười nhưng ta vẫn sống an vui. Ðời có rẻ khinh nhưng ta vẫn một lòng thương yêu tận độ. Một kiếp phù du giả tạm. Tâm thức sống động đời đời.

PVK

Truyện

Vô Lực rất thích lối hành văn của Bồ Tùng Linh. Họ Bồ viết ngắn gọn và nhiều âm hưởng như thơ. Thường bỏ lửng ở cuối câu, để độc giả dùng trí tưởng tượng tiếp nối. Cách bố cục úp mở như khói sương, mộng ảo. Rắp tâm bắt chước. Lấy kiểu cách ấy làm mẫu mực.
Một bữa Thông Luận khắc mộc bản bài viết của Vô Lực để in, chịu không nổi kêu lên:
Ðọc mãi văn của đại sư huynh, một ngày đẹp trơì nào đó sẽ mắc chứng kinh phong, giật đùng đùng. Cú pháp bị chặt nát ra từng khúc, không êm ả như nước chảy.
Vô Lực thú nhận:
– Bắt chước Bồ Tùng Linh, nhưng có hơi quá đáng.
Nói xong sư huynh nghĩ thầm: “Chắc phải trau giồi thêm nghệ thuật mô phỏng. Chẳng sớm thì muộn ta sẽ theo kịp họ Bồ”
Ngày nọ gà chưa gáy sáng Vô Lực đã thức dậy. Cố đẽo gọt một bài viết cho thật trau chuốt đệ trình. Thiền sư kêu lên:
Trời cao đất dầy ơi ! Gà mà cứ ngỡ là phượng hoàng. Thân đích thị là hoa bèo, làm ơn làm phước nhận đi, đừng muốn làm hoa sen nữa.
Sư huynh cúi đầu ngỡ ngàng. Bài bị phê: loại ! Thời gian qua đi. Vô Lực vẫn tiếp tục lẩn tha, lẩn thẩn. Mất nhiều thì giờ bận bịu với nhừng điều vô ích. Làm việc chậm chạp, kéo dài. Nổi tiếng là người câu giờ.

Có một lần nộp bài, thiền sư nhìn sơ qua bản văn, thủng thỉnh nói:
– Chế kiểu vô ích. Lúc thì cụt lủn, khi thì dài dòng lôi thôi. Tác phẩm không có hồn!
Sư huynh hơi phiền trong lòng, bài bị loại quá nhiều, hỏi lại:
– Phải làm sao văn chương mới có được nghệ thuật cá biệt, mang vẻ đẹp sáng tạo ?!
Thiền sư:
– Sửa tánh là sửa luồng điển trong mình, mà ÐIỂN thi`… hóa VĂN.

PHB


Leave a comment